QUY TRÌNH THI CÔNG HOÀN THIỆN

A. LƯU ĐỒ QUY TRÌNH HOÀN THIỆN CƠ BẢN 

B. HƯỚNG DẪN

 

Công tác và các bước thi công Hình minh họa
1. XÂY TƯỜNG GẠCH

Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing

– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công phù hợp.

 Bước 2: Búng mực trắc đạc định vị tường xây
– Búng mực định vị tường xây theo thiết kế, búng mực chiều dày tường hoàn thiện.
– Búng mực chiều dày tường xây và chiều dày tường tô lên trên sàn và trần.
– Yêu cầu phải búng đầy đủ 4 đường mực.
Bước 3: Khoan cấy thép râu, thép bổ trụ
– Khoan thép neo, bát liên kết giữa vách, cột bê tông với tường xây, @500-600mm.
– Thép bổ trụ phải được khoan cấy trước khi tiến hành xây. Chiều sâu thép khoan cấy cho bổ trụ là 5d và không được nhỏ hơn 50mm. Chiều sâu khoan cấy thép lanh tô đổ tại chỗ không được nhỏ hơn 10d và không nhỏ 100mm
Bước 4: Xây hàng gạch định vị chân tường
– Gạch xây phải được tưới ẩm nhằm giảm khả năng gạch hút nước của vữa, làm cho vữa giảm tính liên kết.
–  Tưới ẩm, quét hồ dầu lên nền bê tông tại vị trí giáp hàng gạch chân tường (và vị trí tường gạch tiếp xúc với bê tông – dầm, cột).
– Xây hàng gạch chân theo mực định vị trên nền (mực phía trong).
– Đối với chân tường bao quanh hộp gain, chân tường WC, chân tường hộp gain mái: nên đổ bê tông chân tường cao khoảng 200mm ( tốt hơn biện pháp xây gạch đinh) để tăng cường khả năng chống thấm chân tường.
Bước 5: Xây tường
– Chiều cao mỗi đợt xây chỉ nên giới hạn khoảng 1,5m để chờ vữa đông kết, đồng thời tránh việc gió có thể làm nghiêng mảng tường xây trong quá trình chờ đông kết vữa.
– Sau khoảng 24h tiến hành xây tường đợt hai.
– Căng dây lèo theo phương dọc, ngang để đảm bảo tường xây thẳng đứng và thẳng hàng
– Khi xây tường gạch phải đảm bảo nguyên tắc “trên ăn dây, dưới ăn mí”
 
Bước 6: Xây vị trí cửa, lỗ mở
– Tại vị trí ô cửa phải xây bằng gạch đặc hoặc có bê tông thí hoặc đổ bổ trụ xung quanh để tăng độ liên kết với kết cấu cửa sau này.
– Đà lanh tô khi đổ phải gối vào tường xây tối thiểu 300mm.
Bước 7: Lanh tô, bổ trụ, đà giằng
– Đối với mảng tường dài, cao, dài phải có biện pháp đổ bổ trụ, lanh tô.
– Chiều rộng bổ trụ, lanh tô phải bằng chiều dày của tường.
Kết hợp với công tác M&E:
– Tại vị trí đặt lavabo, tủ kệ treo tường phải có bê tông thí (hoặc tường xây gạch đinh) để liên kết.
– Bảo vệ sản phẩm của các công tác trước.
-Trong quá trình xây tường phải có biện pháp bảo vệ các ống chờ M&E, tránh vữa, gạch vụn rơi vào.
Bước 8: Xây chèn đầu tường
– Xây nghiên viên gạch tại đỉnh tường, được thực hiện sau khi xây 24h (tránh hiện tượng vữa co ngót làm hở đầu tường).
– Căng dây hoặc dùng thước nhôm kiểm tra độ thẳng khi xây chèn đầu tường
Bước 9: Nghiệm thu, bảo dưỡng tường xây
– Nghiệm thu nội bộ trước khi nghiệm thu với đơn vị tư vấn.
– Hồ sơ nghiệm thu: phải được thống nhất với TVGS ngay từ đầu.
– Sau khi thi công: tưới nước lên bề mặt tường đã xây xong, đảm bảo độ ẩm cần thiết.
– Thời gian bảo dưỡng: trong suốt 2 ngày sau khi xây xong.
– Không được cắt đục tường để thi công hệ thống điện âm tường trong thời gian bảo dưỡng.
2. TÔ TƯỜNG
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Kiểm tra kích thước tô hoàn thiện và bản vẽ ốp lát gạch vệ sinh để có biện pháp điều chỉnh chiều dày tô (nếu cần) để đạt thẩm mỹ cho công tác ốp lát sau này.
Bước 2: Ghém tường
– Ghém theo đường mực trắc đạc tô đã búng trên sàn và trần.
– Các mốc trát được phân bố thành hàng trên tường, khoảng cách 2-2.5m.
– Các mốc trát phải nhẵn mặt và có kích thước 5cmx5cm, đúc bằng vữa xi măng.
Bước 3: Phối hợp kiểm tra công tác M&E âm tường:
– Kiểm tra vị trí, khoảng cách., canh chỉnh các box chờ.
– Công tác M&E âm tường phải đảm bảo được hoàn tất, chèn vữa , đóng lưới và nghiệm thu đầy đủ trước khi tô tường.
– Chèn kín vữa và đóng lưới đường M&E âm tường tiếp giáp giữa gạch và kết cấu bê tông trước khi tô. Lưới đóng rộng ra mỗi bên tối thiểu 75mm.
Bước 4: Tưới ẩm tường trước khi tô
– Tưới ẩm tường trước khi tô, tránh việc tường hút ẩm làm mất nước lớp vữa tô
Bước 5: Tiến hành tô tường
– Tô tường theo thứ tự từ trên xuống, tránh được việc làm bẩn tường xây khi tô.
– Chiều dày lớp tô thường từ 15-20mm.
– Đối với tô lên cấu kiện bê tông, phải quét lớp keo hồ dầu đặt để tạo gai, tăng độ bám dính vữa tô.
– Trải bạt chân tường trong quá trình tô để đảm bảo vệ sinh và giảm hao hụt vữa.
 
Bước 6: Tô cạnh cửa, góc tường
– Vị trí cạnh cửa bố trí cục ghém nhiều hơn để tăng độ chính xác khi tô.
– Khi tô cạnh cửa nên sử dụng bay góc vuông để tăng độ chuẩn xác.
– Sử dụng bay tô góc để rà lại các góc tường giúp loại bỏ vữa thừa, làm cho góc tường vuông và thẳng cạnh.
Bước 7: Cắt ron tường
Có 2 biện pháp tạo ron tường: sử dụng bay cắt ron hoặc sử dụng ron nhựa.

Bước 8: Kiểm tra, nghiệm thu tường tô và tưới nước bảo dưỡng
– Phải thường xuyên kiểm tra trong quá trình thi công và nghiệm thu ngay sau khi tô xong để dễ dàng chỉnh sửa sai sót khi lớp vữa còn ướt.
– Vệ sinh vữa sau khi tô xong.

– Vệ sinh sạch sẽ sau khi tô xong, nhất là vị trí chân tường, nơi dễ bị vữa hồ tô dính lại gây ảnh hưởng đến công tác cán nền
– Tưới nước sau bảo dưỡng tường tô trong 3 ngày sau khi tô, đảm bảo độ ẩm cần thiết.

3. CHỐNG THẤM
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệtđể chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Kiểm tra bản vẽ mặt bằng, chiều cao chống thấm với chủng loại vật tư cụ thể.
– Nghiên cứu kỹ các chi tiết chống thấm đặc thù của công trình: khe co giãn, móng máy, vách hầm…
Bước 2: chuẩn bị và vệ sinh mặt bằng
– Vệ sinh, đục bỏ các gờ, ba vớ, các vết dầu mỡ trên nền bê tông.
– Bề mặt phải khô ráo
– Lưu ý: Xung quanh khu vực chống thấm mái bắt buộc phải có bệ bê tông chân tường cao tối thiểu hơn 10cm so với lớp hoàn thiện sàn.
 
Bước 3: Kiểm tra các đường ống M&E
– Kiểm tra các đường ống ME đã được lắp đầy đủ.
– Fill các ống xuyên sàn bằng vữa không co ngót.
Bước 4: Xử lý các góc cạnh tường
– Dùng vữa trám, làm tù các góc cạnh xung quanh cổ ống
 

Bước 5: Quét chống thấm lớp 1 (hoặc lớp Primer)

Chống thấm gốc xi măng:
– Quét 1 lớp lên toàn bộ diện tích chống thấm
– Chân tường được quét cao 300mm hoặc theo tiêu chí kỹ thuật của thiết kế.
Chống thấm màng:
– Quét lớp primer, đợi lớp primer se bề mặt thì tiến hành dán chống thấm.

Bước 6: Gia cố cạnh tường, ống M&E
Chống thấm gốc xi măng:
– Dán lưới gia cố xung quanh chân tường, miệng ống.
– Phủ thêm 2 lớp chống thấm lên các vị trí gia cố lưới.
Chống thấm màng:
– Dùng Bitum mastic trám trét tăng bám dính và gia cố xung quanh các miệng ống.
Bước 7: Quét chống thấm lớp 2 ( Dán màng chống thấm)
Chống thấm gốc xi măng:
– Quét lớp chống thấm thứ 2 lên toàn bộ lớp 1
Chống thấm màng:
– Các lớp chống thấm giáp mí tối thiểu 50mm
– Nếu là màng nguội, dùng búa đóng dính và miết để lớp chống thấm dính xuống sàn
– Nếu là màng nóng phải khò đủ lửa để tấm bitum chảy  tăng kết dính với sàn bê tông.
Bước 8: Ngâm nước. Kiểm tra lớp chống thấm
– Sau 24h hoàn thành lớp 2 (màng), xả nước vào kiểm tra chống thấm
– Sau 1 ngày ngâm nước, kiểm tra khu vực phía dưới xem có thấm không?
– Chú ý kỹ những vị trí cổ ống, ống xuyên sàn
Bước 9: Cán lớp bảo vệ
– Sau khi xả nước, phải có biện pháp cảnh báo khu vực chống thấm cho đến khi cán nền bảo vệ.
4. CÁN NỀN

Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing

– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Cần chú ý:
o Cấu tạo và chiều dày các lớp vật liệu hoàn thiện.
o Cao độ vị trí cửa , góc tường, phiễu thu sàn.

Bước 2: Trắc đạc, vệ sinh mặt bằng
– Khôi phục lại cao độ hoàn thiện chuẩn +1000mm.
– Sử dụng bay, búa gỡ bỏ ba zớ trên nền.
– Vệ sinh mặt bằng thi công.
Bước 3: Ghém nền
– Ghém nền dựa trên cote gửi trên tường kết hợp với căng dây và máy lazer.
– Ghém theo điểm: chia nền theo từng điểm ghém khoảng cách 2-3 m mỗi điểm (càng nhiều điểm, độ chính xác càng cao). Áp dụng cho các mặt bằng nhỏ như căn hộ.
– Ghém theo dải: mỗi dải ghém là tập hợp nhiều điểm ghém thẳng hàng, áp dụng cho các mặt bằng rộng lớn như nhà xưởng, trung tâm thương mại… nhằm tăng cưởng khả năng kiểm soát cao độ cán nền tốt hơn.

Bước 4: Nghiệm thu cao độ ghém nền

– Dựa trên bảng vẽ cán nền, kiểm tra cao độ từng điểm ghém.
– Chú ý: việc nghiệm thu cao độ ghém nền rất quan trọng, giúp giảm thiểu bị cháy cao độ, giảm rủi ro, tiết kiệm thời gian và chi phí sau này.

Bước 5: Hoàn chỉnh hệ thống M&E âm sàn
– Hoàn chỉnh, nghiệm thu các ống điện âm sàn (nếu có).
– Hoàn thành công tác định vị, fill và chống thấm các ống xuyên sàn.

Bước 6: Tưới ẩm sàn trước khi cán nền
– Tưới ẩm nền, hồ dầu liên kết đầy đủ trước khi cán nền
– Tăng cường độ bám dính giữa lớp vữa và bê tông nền tránh hiện tượng bộp nền

Bước 7: Cán nền
– Cán nền theo cao độ đã ghém.
– Khôi phục mực trục trên sàn sau khi nền khô.
– Kiểm tra tưới ẩm bảo dưỡng thường xuyên khu vực nền vừa cán.
– Cảnh báo, bảo vệ nền vừa cán.
5. TRẦN THẠCH CAO
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing được duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Kết hợp và định vị bố trí thiết bị M&E âm trần trên bản vẽ shopdrawing trần thạch cao.
– Định vị tấm bắt đầu ( start point ) – giống như mặt bằng lát gạch.
Bước 2: Xác định cao độ trần
– Lấy dấu chiều cao trần bằng ống Livo hoặc tia laser. Đánh dấu vị trí của mặt bằng trần trên vách hay cột.
– Thông thường nên vạch dấu độ cao ở dưới tấm trần.Định vị lên vách thạch cao Định vị lên tường
Bước 3: Cố dịnh khung viền tường
– Tùy thuộc vào loại vách, sử dụng khoan hay búa đóng đinh để cố định thanh viền tường vào tường hay vách.
– Tùy theo loại vách sẽ định khoảng cách giữa các lỗ đinh hay lỗ khoan nhưng không được vượt quá 300mm.
Bước 4: Phân chia lưới thanh chính và xác định điểm treo ty
– Chọn phương của thanh chính phù hợp với hướng bố trí của các điểm treo.
– Khoảng cách tối đa giữa các điểm treo ty là 800 ÷ 1200mm.
Bước 5: Lắp đặt thanh chính
– Thanh chính được chọn tùy thuộc theo loại mẫu trần chìm. Khoảng cách giữa các thanh chính là 800 ÷1000mm (theo nhà sản xuất quy định).
Bước 6: Lắp đặt thanh phụ
– Thanh phụ được lắp vào các thanh chính bằng phụ kiện theo sơ đồ hướng dẫn của mỗi loại mẫu.Khoảng cách tối đa giữa các thanh phụ là 406mm.
– Nếu trần giật cấp (theo thiết kế) phải căng dây chỉnh các đầu xương phụ thẳng hàng.
Bước 7: Cân chỉnh khung
– Sau khi lắp đặt xong, cần phải điều chỉnh cho khung ngay ngắn và mặt bằng khung thật phẳng.
– Khi hệ khung xương được lắp, phải căng dây theo các phương: ngang, dọc, chéo để kiểm tra mặt phẳng của cả hệ.
Bước 8: Lắp đặt tấm lên khung
– Liên kết tấm vào khung bằng vít, phải siết cho đầu vít chìm vào mặt trong tấm, khoảng cách các vít không quá 200mm ở phần ngoài biên tấm và không quá 300mm ở phần trong mặt tấm.
– Căng dây theo phương: ngang, dọc, chéo kiểm tra mặt phẳng trần.
Bước 9: Xử lý lỗ vít, giáp mí
– Dùng băng keo lưới dán liên kết giữa các tấm trần.
– Miết phẳng các lỗ bắt vít, các đường băng keo lưới bằng vữa chuyên dụng.
THI CÔNG TRẦN NỔI
Các bước thi công trần nổi tương tự như thi công trần chìm
Cần chú ý thêm:
– Ngoài công tác nghiệm thu độ phẳng (cao độ khung ) cần phải nghiệm thu độ thẳng khung theo chiều dọc và ngang.
6. LẮP CỬA NHÔM KÍNH- CỬA NHỰA 
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Nghiên cứu biện pháp thi công lắp đặt.
Bước 2: Kiểm tra vị trí liên kết
– Kiểm tra ô chờ theo kích thước cao, rộng, đường chéo và độ nghiêng mặt tường; gióng thẳng các trục lắp đặt cửa giữa các tầng hoặc giữa các cửa cùng tầng.
Bước 3: Kiểm tra vị trí liên kết
– Kiểm tra các lỗ khoan lắp đặt trên khung cửa.
– Khoan bổ sung nếu cần theo thực tế tại hiện trường.
Bước 4: Lắp khung cửa
– Đặt cửa lên ô chờ, kê cạnh dưới sao cho thăng bằng, cách mép tường đúng vị trí lắp đặt.
– Khoan thường theo vị trí lỗ số 1 và 2.
– Đặt vít lắp đặt vào 2 lỗ vừa khoan (chưa xiết chặt vít).
Bước 5: Canh chỉnh khung đứng
– Đặt li vô lên cạnh đứng ở mặt phía trong hoặc ngoài khung cửa để lấy độ thẳng theo hướng trong – ngoài và tiến hành khoan tường theo lỗ số 3 và số 4.
– Đặt lắp vào 2 lỗ vừa khoan (chưa xiết chặt vít).
Bước 6: Cố định khung đứng
– Đặt li vô lên cạnh đứng ở mặt phía trong lòng khung cửa để lấy cân thẳng theo hướng trái – phải bằng cách kê đệm kết hợp với xiết dần vít số 1, 2, 3 và 4.
– Sau khi khung đã được cân thì xiết chặt vít lại.
Bước 7: Cố định khung ngang
– Khoan tất cả các vị trí cần bắt vít còn lại.
– Đặt vít vào các lỗ mới khoan và chèn sơ bộ (chưa xiết chặt các vít này).
Bước 8: Lắp hoàn chỉnh khung cửa
– Xiết chặt các vít lắp đặt và có kiểm tra các cạnh khung cửa bằng thước level theo các hướng: dọc – ngang, trái – phải, trong – ngoài.
Bước 9: Lắp cánh cửa
– Lắp và cân chỉnh cánh cửa.
– Nếu khe lắp đặt rộng quá 5 mm thì cần được đắp trát bằng vữa xi măng – cát
Bước 10: Lắp cánh cửa
– Đậy các nắp vít lắp đặt, trám silicone cho những lỗ bắt vít ở cạnh dưới.
– Đóng các tấm kính cố định.
Bước 11: Chèn foam
– Bơm foam kín dọc khe lắp đặt.
– Bóc băng bảo vệ mặt cửa bên ngoài nhà.
Bước 12: Lắp đặt phụ kiện
– Bóc băng bảo vệ profile ở mặt trong nhà.
– Lắp đủ các chi tiết phụ kiện.
– Thu dọn và bảo quản công cụ, dụng cụ theo quy định.
7. SƠN NƯỚC 
7.1 SƠN PHẲNG
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ mặt đứng / mặt bằng hoàn thiện tường /shopdrawing được phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Kiểm tra sự phân mảng màu, chủng loại sơn trên từng diện.
Bước 2: Thi công bột trét
– Bột trét (hay putty, mastic…) là chất làm phẳng bề mặt,được trộn đều với nước, và khuấy với máy khuấy chuyên dùng. Tỉ lệ pha trộn là 1 phần nước và 3 phần bột (theo khối lượng).Bột trét phải tan đều, không còn lợn cợn, ốc trâu khi thi công.

– Bột trét thường thi công bằng dao thép hoặc dao nhựa
– Được thi công từ 1 đến nhiều hơn 2 lớp. Để đảm bảo độ bền của màng sơn, không nên thi công bột trét quá dày (thông thường là 3mm
– Dùng thước nhôm cập cạnh khi thi công bột bả sẽ cho cạnh sắc nét, thẳng hơn.

Bước 3: Xả nhám
– Sau khi lớp bột trét thứ hai đã khô ( thường từ 12 đến 24 giờ), sử dụng giấy nhám để làm phẳng bề mặt bột.
– Nên sử dụng giấy nhám số từ 180 đến 240 cho tường bên trong nhà để tránh trầy xước bề mặt.

– Bo tròn cạnh tường góc lồi.một chút (1-2mm) để hạn chế việc mẻ cạnh nhỏ thường hay xảy ra và làm cho cạnh tường nhìn được thẳng hơn.

– Vệ sinh bề mặt sau khi xả nhám
o Sau khi xả nhám, trên bề mặt có rất nhiều bụi, ảnh hưởng rất lớn đến độ bám dính của màng sơn.
o Sử dụng chổi, cọ quét sạch bụi bám trên bề mặt tường, trần trước khi tiến hành sơn lót.

Bước 4: Kiểm tra bề mặt xả nhám
– KIỂM TRA bề mặt sau khi xả nhám TRONG LÚC THI CÔNG
– Khi xả nhám nên dùng đèn pin để kiểm tra độ phẳng bề mặt tường để khắc phục kịp thời.
– Kiểm tra kỹ những khu vực sau này sẽ lắp đèn chiếu song song với bề mặt tường.
– Kiểm tra kỹ độ phẳng tường tạicác box điện.
Bước 5: Sơn lót
– Sau khi làm vệ sinh và kiểm tra lại độ ẩm của bề mặt bột trét, ta bắt đầu thi công hệ thống sơn. Thời gian cách lớp tối thiểu cho mỗi lớp sơn trang trí ( sơn nước) là 2h ở điều kiện nhiệt độ bình thường
– Hệ thống sơn được thi công bằng cọ lăn (rulo), cọ chổi hoặc súng phun. Thông thường súng phun chỉ được thi công lớp sơn lót ở những khu vực thông thoáng.
– Khi thi công bằng súng phun, thời gian sơn sẽ nhanh hơn nhưng sẽ gây hao hơn, tạo nhiều bụi sơn, có thể gây ô nhiểm khu vực thi công.
– Sơn xong nên kiểm tra lại bằng đèn để hạn chế tối đa những chỗ tường lồi lõm không đều mà trước khi sơn lót không phát hiện ra được.
Bước 6: Sơn phủ
– Trãi bạt bảo vệ các bề mặt khác trong quá trình sơn.
– Thi công sơn bằng ru lô hoặc máy phun.
– Không được cho quá nhiều nước vào sơn (tối đa 5%), nếu sơn quá loãng sẽ có hiện tiện bọt khí trên bề mặt sơn.
– Sơn phủ lớp 2 sau khi sơn lớp 1 khô.
– Kiểm tra , dặm vá những vị trí chưa đạt chất lượng
– Sơn lại những mảng sơn không đều cho đến khi đạt yêu cầu.
– Dặm vá, sơn phết lại những vết nứt, xước, bẩn… trên tường trần.
– Sử dụng băng keo dán tại vị trí giao 2 mảng tường / 2 mảng màu khác nhau
– Nên sử dụng loại băng dính chuyên dụng cho công tác hoàn thiện để tránh hư hại màng sơn.
7.2 SƠN GAI
Bước 1: Chuẩn bị, vệ sinh bề mặt tường tô
( tương tự như tường sơn phẳng)
Bước 2: Bả mastic
( có thể không bả tùy theo yêu cầu)
 
Bước 3: Xả nhám
Bước 4: Vệ sinh sau khi xả nhám
Bước 5: Tạo gai bằng máy phun
(mật độ gai phù hợp theo mẫu vật tư đã duyệt)
Bước 6: Sơn phủ
(2 lớp hoàn thiện)
8. ỐP LÁT
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Chú ý các chi tiết cấu tạo, chiều dày lớp vật liệu hoàn thiện.
– Viên bắt đầu ( Start point): chọn viên bắt đầu sao dễ dàng thi công và cho hạn chế cắt những viên gạch quá nhỏ (không nhỏ hơn 1/3 kích thước gạch) nhằm tăng tính thẩm mỹ.
Bước 2: Vệ sinh, định vị layout đá trên mặt bằng
– Vệ sinh nền chuẩn bị lát .
– Búng mực 2 đường vuông góc trên nền.
– Làm ẩm bề mặt nền để giảm khả năng hút nước.
– Tưới 1 lớp nước hồ dầu để tăng cường khả năng bám dính lớp vữa/keo với sàn bê tông
Bước 3: Định vị viên đầu tiên (Start point)
– Ốp lát viên gạch đầu tiên theo mực đã định vị.
– Căng dây để xác định cao độ, đoạn thẳng cần lát.
– Sử dụng bay răng cửa để trãi hồ dầu / keo theo 1 hướng để dễ canh chỉnh và không bị tụ khí giữa các đường gân trãi keo .
– Đặt viên gạch lên mặt vữa và dùng búa cao su gõ định vị viên gạch đúng cao độ.
– Lưu ý phải phối hợp với M&E để cắt gạch tại vị trí phễu thu sàn, điểm chờ thiết bị vệ sinh, các đường ống âm tường.
Bước 4: Thi công ốp lát đại trà
– Dựa theo dây nhợ định vị và viên đá chuẩn này sẽ lắp các viên đá kế tiếp theo phát triển theo 2 phương theo đúng trình tự các bước nêu trên.
– Lát phần còn lại của sàn, sử dụng cữ nhựa tạo ron để đảm bảo các đường ron đồng đều.
– Thường xuyên kiểm tra mặt bằng bằng thước li vô và thước nhôm (độ dốc đối với nền vệ sinh) để kịp thời điều chỉnh khi hồ dầu / keo còn ướt.
– Sử dụng ron nhựa chữa thập để kiểm soát độ đồng đều của bề rộng ron gạch. Gạch chỉ được chỉnh sửa trong thời gian nhà sản xuất vật liệu lót nền quy định.
Bước 5: Kiểm tra
– Kiểm tra độ bằng phẳng của gạch lắp đặt bằng thước thủy, thước nhôm, độ rỗng (bộp) của gạch, kịp thời chỉnh sửa khi hồ dầu (keo) khi còn ướt.
Bước 6: Chà ron, vệ sinh và bảo vệ
– Chà ron, vệ sinh sau khi hoàn tất lắp đặt theo từng khu vực.
– Nên sử dụng bột chà ron chuyên dụng.
– Phải thực hiện bảo vệ sàn gạch ngay sau khi vừa lát gạch xong lau sạch hết bụi, vết bẩn, hạt vụn và phủ lên bề mặt tấm polyethylene, vải bạt, bìa cứng hoặc tấm gỗ (nếu đi lại nhiều).
9. CỬA ĐI
9.1 CỬA GỖ
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Nghiên cứu biện pháp thi công lắp đặt.
– Vị trí vít liên kết khung cửa gỗ vào tường trùng với vị trí cục thí bê tông trên tường.
Bước 2: Kiểm tra kích thước hiện trường
Các sai số cho phép:
– Kích thước opening cửa (+-3mm).
– Chiều dày tường (+-2mm).
– Kiểm tra độ vặn của tường (ngã cạnh) (+-2mm).
– Kiểm tra độ vuông ke cạnh góc cửa (+-3mm/ cạnh).
Bước 3: Liên kết khung bao
– Tổ hợp khung bao trên mặt sàn phẳng.
– Liên kết khung đứng và khung ngang: đầu mộng và lỗ mộng phải khít chặt,. nếu liên kết bằng vít phải khoan mồi trước – tránh việc làm nứt (toét) khung cửa.
– Liên kết khung bao vào tường tại đúng vị trí trong shopdrawing (vị trí cục thí BT trong tường), kiểm tra kỹ chiều sâu tắc kê, vít. Kiểm tra độ thắng đứng, vuông ke cửa trước khi cố định bằng nêm và siết vít.
Bước 4: Liên kết khung bao vào tường
– Liên kết khung bao vào tường bằng vít thép D9/D10, vị trí và khoảng cách theo bản vẽ shopdrawing.
– Vị trí vít liên kết phải trùng với vị trí cục thí bê tông trên tường.
– Kiểm tra độ thẳng đứng, vuông ke cửa trước khi cố định bằng nêm và siết vít.
– Cố định và kiểm tra khung bên bản lề thẳng đứng rồi mới liên kết cánh vào.
Bước 5: Lắp bản lề vào cánh
– Bản lề phải đồng phẳng và khít với cánh.
– Vít liên kết phải chặt và phẳng.
Bước 6: Lắp cánh vào khung
– Đóng mở cửa để kiểm tra hoạt động của bản lề.
– Canh chỉnh khe hở giữa cánh và khung bên khóa cho đều và phẳng, sau đó cố định khung bên khóa còn lại bằng vít.
 
Bước 7: Lắp nẹp cửa
– Tiến hành lắp nẹp cửa sau khi đã canh chỉnh cánh cửa và khung.
– Khoảng cách từ khung đến nẹp cửa phải đều nhau theo bản vẽ ( thường là 15mm).
– Lên kết nẹp vào khung bằng đinh chỉ, khoảng cách đinh chỉ là 200-250mm/ 1 đinh.
 
Bước 8: Lắp khóa, tay nắm… (hardware)
– Công tác lắp khóa được tiến hành sau khi nghiệm thu lắp đặt cánh.
– Kiểm tra đóng mở khóa, vị trí liên kết.
Bước 9: Nghiệm thu, vệ sinh, bảo vệ cửa
– Sau khi lắp đặt xong, tiến hành canh chỉnh, nghiệm thu rồi dán nilong bảo vệ bề mặt cửa.
– Mọi công tác defect liên quan đến cửa gỗ ít nhiều đều không đạt chất lượng và thẩm mỹ như ở xưởng. Do đó công tác lắp cửa gỗ thường được thi công ở giai đoạn cuối của công trình và phải đặt biết chú ý đến biện pháp bảo quản, bảo vệ cửa gỗ.
9.2 CỬA THÉP
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Nghiên cứu biện pháp thi công lắp đặt.
– Vị trí vít liên kết khung cửa sắt vào tường trùng với vị trí cục thí bê tông trên tường.
Bước 2: Kiểm tra kích thước hiện trường
– Kiểm tra kích thước tô tường so với kích thước opening đã trong bản vẽ shopdrawing.
– Đánh dấu cao độ cửa theo mực trắc đạc +1000.
Bước 3: Liên kết khung bao
– Liên kết khung bao vào tường bằng vít thép D9/D10, bu long nở hoặc bằng bát; vị trí và khoảng cách theo bản vẽ shopdrawing.
– Vị trí liên kết phải trùng với vị trí cục thí bê tông trên tường.
– Kiểm tra độ thẳng đứng, vuông ke cửa trước khi cố định bằng nêm và siết bu lông.
– Cố định và kiểm tra khung bên bản lề thẳng đứng rồi mới liên kết cánh vào.
– Lỗ vít liên kết trên khung phải được bịt kín bằng nút cao su.
 
Bước 4: Lắp cánh vào khung
– Kiểm tra bản lề phải đồng phẳng và khít với cánh.
– Vít liên kết phải là loại chống rỉ sét, được siết chặt và phẳng mặt với bản lề.
– Đóng mở cửa để kiểm tra hoạt động của bản lề.
– Canh chỉnh khe hở giữa cánh và khung bên khóa cho đều và phẳng, sau đó cố định khung bên khóa còn lại bằng vít.
Bước 5: Lắp khóa, tay nắm… (hardware)
– Công tác lắp khóa, door closer… được tiến hành sau khi nghiệm thu lắp đặt cánh.
– Kiểm tra đóng mở khóa, vị trí liên kết.
– Đối với cửa chống cháy, sau khi nghiệm thu lắp đặt; tiến hành bơm foam/chèn ron cao su chống cháy vào khe giữa khung cửa và tường (nếu có yêu cầu).
 
Bước 6: Bơm silicon, vệ sinh và bảo vệ
– Sau khi ngiệm thu lắp đặt, tiến hành bơm silicon, vệ sinh cửa.
– Sau đó nghiệm thu tổng thể trước khi dán nilong bảo vệ bề mặt cửa.
10. LAN CAN 
Bước 1: Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing
– Nghiên cứu bản vẽ shopdrawing phê duyệt để chuẩn bị nguồn lực và lập biện pháp thi công.
– Trường hợp lan can có kích thước chiều dài hơn 3000 , số lượng module nhiều  nên cố gắng điều chỉnh kích thước trên thực tế về <3000 để tiết kiệm vật tư và nhân công.
– Nghiên cứu biện pháp thi công lắp đặt.
Bước 2: Định vị trụ lan can
– Định vị các vị trí của bản mã trên mặt bằng dựa theo mực trục trắc đạc và cao độ đặt bản mã theo mực cote 1000mm.
– Khoan lỗ bắt bu lông trên dầm bê tông.
– Sử dụng keo để cấy ti ren hoặc sử dụng tắc kê đạn. Khi sử dụng keo để cấy ti ren phải nghiệm thu độ sâu của lỗ khoan (thông thường là 100 mm) và vệ sinh lỗ sạch sẽ trước khi bơm keo.
Bước 3: Lắp đặt trụ
– Lắp bản mã vào vị trí và bắt bu lông.
– Kiểm tra cao độ bản mã so với cote hoàn thiện, kiểm tra lại độ thẳng của trụ inox bằng thước livô.
– Sau khi cố định bản mã, phải cho cắt các đầu ti ren để các đầu ti ren không nhú lên bề mặt hoàn thiện sau này.
– Nếu dùng phương pháp hàn nối với phần đã chôn cố định từ trước, nên chọn chất hàn cùng chất liệu với phần chân đã chôn.
Bước 4: Lắp tay vịn
– Kiểm tra các phương đứng và phương ngang của hệ lan can bằng thước livô
– Cố định tay vịn vào đầu trụ lan can.Thường thìtay vịn bằng gỗ dùng vít cố định, tay vịn kim loại dùng bu-lông (hoặc hàn argo) cố định.
– Sau khi kiểm tra tay vịn, trụ đã liên kết. Tiến hành fill cố định bản mã bằng sika grout. Chú ý vệ sinh sạch sẽ và tưới ẩm bê tông chân trụ trước khi tiến hành fill sika grout.
Bước 5: Lắp kính
– Căn cứ theo sơ đồ lắp đặt, theo trình tự lắp đặt tấm kính vào các chốt cố định. Kiểm travà xiết chặt lại.
Bước 6: Kiểm tra, vệ sinh, bảo vệ sản phẩm
– Đặt li vô lên cạnh đứng ở mặt phía trong, lên tay vịn để kiểm tra đỗ thẳng đứng, ngang bằng.
– Kiểm tra, đảm bảo các mối hàn, ốc vít chặt chẽ, đảm bảo các miếng đệm và tấm đỡ không bị lộ ra ngoài
– Vệ sinh các bề mặt kính, ống tay vịn, trụ bằng khăn mềm.
– Có biện pháp bảo vệ lan can khi thi công các công tác tiếp theo.
11. LẮP ĐẶT THIẾT BỊ VỆ SINH VÀ FIX FURNIURE
11.1 LẮP ĐẶT THIẾT BỊ VỆ SINH
Lắp khung bàn đá  Lắp mặt đá 
Lắp lavabo Lắp bồn cầu
Lắp vòi tắm, phễu thu Thiết bị vệ sinh hoàn chỉnh
11.2 LẮP ĐẶT BẾP
Bước 1: Định vị kệ bếp Bước 2: Lắp đặt module kệ bếp
Bước 3: Kiểm tra độ thẳng đứng, ngang bằng Bước 4: Siết vít cố định kệ bếp vào tường
Bước 5: Định vị bàn bếp Bước 6: Lắp đặt từng modle bàn bếp
Bước 7: Kiểm tra, liên kết các module với nhau Bước 8: Lắp đặt bàn bếp, thiết bị
11.3 LẮP ĐẶT TỦ QUẦN ÁO
Bước 1: Kiểm tra kích thước hiện trường Bước 2: Lắp dựng vách đứng
Bước 3: Lắp dựng các đợt ngang, module Bước 4: Kiểm tra độ ngang bằng, thẳng đứng
Bước 5: Khoan bắt bản lề Bước 6: Lắp dựng cánh tủ
Bước 7: Lắp tay nắm, phụ kiện Bước 8: Kiểm tra, hoàn thành

 Lưu ý:Tất cả các quy trình nêu trên được Tân Phát Tote & Building áp dụng cho tất cả các dự án được nhận. Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và uy tín của thương hiệu mang đến cho khách hàng.